Câu chuyện hay: “Sếp ơi, em muốn nghỉ việc”
Xin nghỉ việc với nhiều người là chuyện dễ dàng, thế nhưng trong tình hình kinh tế trì trệ, công ty bạn đang làm gặp nhiều khó khăn thì đó quả là một câu đố hóc búa với
Không còn hứng thú với công việc hiện tại, mơ ước một mức lương cao hơn và muốn thử sức mình trong một môi trường làm việc mới, thế nhưng trong lúc này, khi công ty bạn đang gặp nhiều khó khăn, liệu bạn có thể nói câu “xin nghỉ việc” dễ dàng.
Sau nhiều năm nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi vì sự phát triển của công ty, Toàn đã leo lên được chiếc ghế trưởng phòng dự án mà không ít người phải thèm muốn, ghen tị. Anh trở thành cánh tay phải đắc lực của sếp và được lãnh đạo đặt rất nhiều niềm tin. Có năng lực, kinh nghiệm cộng với một cái đầu luôn “bùng nổ”, Toàn đã giúp sếp đưa công ty qua rất nhiều sóng gió, khó khăn và gặt hái được những thành công nhất định. Uy tín của Toàn ngày càng được củng cố trong lòng sếp cũng như đồng nghiệp cấp dưới. Thế nhưng, là một người có chí tiến thủ lại rất tham vọng, Toàn biết mình không thể ngồi mãi vị trí trưởng phòng ở một công ty nhỏ như thế này được. Trong những lần gặp gỡ khách hàng, Toàn lọt vào “mắt xanh” của một doanh nhân nước ngoài đang có những dự án đầu tư tầm cỡ tại Việt Nam. Vị này cũng đang tìm một người đủ khả năng để ngồi vào vị trí giám đốc điều hành thay mặt ông quản lý công ty trong nước và Toàn là ứng cử viên sáng giá nhất mà ông mong muốn. Nhận được lời đề nghị của vị này, Toàn biết đây là cơ hội rất tốt để mình phát triển được khả năng một cách tối đa và là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp mà anh từng mơ ước. Nhưng Toàn biết công ty và sếp hiện tại của anh chưa sẵn sàng đối diện với sự ra đi này. Toàn đề nghị được suy nghĩ và giải quyết mọi chuyện ổn thỏa trong hai tháng. Trong thời gian này, công ty Toàn đang gặp khó khăn, nhiều dự án bị đình trệ vì thiếu vốn đầu tư, nhân lực lại không đủ để giải quyết hết công việc, sếp của Toàn lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, ông thường xuyên gọi Toàn lên phòng riêng để nhờ Toàn cố vấn. Được sếp đặt hết niềm tin nhưng Toàn lại chẳng thể vui nổi. Anh sợ phải nói câu xin nghỉ việc với sếp lúc này, anh sợ mọi người nghĩ sai về anh, cho anh là kẻ lúc phú quý vinh hoa thì góp mặt, lúc khó khăn sóng gió lại tìm cách chạy trốn. Toàn chẳng biết phái xoay xở thế nào để giải quyết mọi việc được hợp tình hợp lý nữa. Mai, nhân viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội cũng đang khổ sở vì… chẳng dám xin nghỉ việc. Chuyện là công ty mà Mai đang làm việc cũng trở thành nạn nhân của nền kinh tế khủng hoảng, nhiều hợp đồng bị cắt bỏ giữa chừng vì khách hàng thiếu vốn hay phá sản. Nguồn thu chính thâm hụt, lương thưởng của anh em nhân viên vì thế mà không được sếp chi trả hào phóng như trước nữa. Đã quen với mức sống có thu nhập cao ngất ngưởng, dù công ty vẫn còn khả năng trụ vững, nhiều đồng nghiệp của Mai vẫn tính chuyện ra đi, thậm chí xin nghỉ việc hàng loạt để đầu quân cho một số công ty đối thủ cạnh tranh đang ra sức chào mời, lôi kéo họ. Có những buổi sáng, khi đến văn phòng, sếp của Mai đã phải chóng cả mặt trước một tập đơn của nhân viên đặt sẵn trên bàn. Buồn bã trước cách hành xử của nhân viên mà lực bất tòng tâm, sếp của Mai rất mệt mỏi, cô thường xuyên gọi Mai đi uống cà phê để trút bầu tâm sự. Thấy sếp như vậy, Mai chẳng nỡ lòng nào thông báo cô cũng đang tính nghỉ việc để về quê làm cho một công ty nhà nước mà bố mẹ đã mất bao công sức để cô được trúng tuyển, dù mức lương ở đó có thấp hơn hàng chục lần so với mức thu nhập hiện tại nhưng cô được ở cùng bố mẹ chứ không phải ở nhà thuê, ăn cơm một mình như lúc này nữa. Mai ngại khi nói ra sếp cô không hiểu cho, lại cho rằng cô giống như những đồng nghiệp khác. Mai rất sợ người khác nghĩ sai về mình, đặc biệt là sếp, người mà cô luôn quý mến và ngưỡng mộ. Xin nghỉ việc với nhiều người là chuyện dễ dàng, thế nhưng trong tình hình kinh tế trì trệ, công ty bạn đang làm gặp nhiều khó khăn thì đó quả là một câu đố hóc búa với những ai từng tận tâm, gắn bó hết lòng vì công ty, vì lãnh đạo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn phải cân nhắc và dứt khoát để có được sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân mình. Toàn, sau một thời gian đắn đo cũng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy có thực sự bất ngờ nhưng sếp cũng hiểu không thể giữ chân mãi một người có chí hướng và đầy tham vọng như anh. Không chỉ giới thiệu cho sếp một người bạn vốn từng đảm trách vị trí tương tự tại một công ty lớn rất có năng lực thay thế anh, Toàn còn trở thành đối tác chiến lược của công ty với những hợp đồng tầm cỡ và là người bạn thân thiết với sếp. Còn Mai cuối cùng cũng trình bày được với sếp hoàn cảnh của mình. Rất may sếp là người khá hiểu tính cách cũng như con người của cô mà thông cảm cho việc cô nghỉ việc trong hoàn cảnh này. Mai và sếp vẫn thường xuyên trao đổi với nhau và nhờ mạng Internet, cô có thể giúp sếp nhiều việc như giúp một người bạn rất thân tình. Xin nghỉ việc để hướng đến những mục tiêu mới cao hơn là điều hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, hãy cư xử thật có lý có tình, có văn hóa trong những trường hợp nhạy cảm để tránh khiến người khác phải thất vọng. Đó là cách bạn thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Theo Dân trí
Leave a Reply