Họp có phải là cực hình đối với nhân viên?
Các phóng viên của báo này thay vì phải tất tả chạy đến cơ quan vào mỗi sáng sớm sẽ có thời gian để săn tin, bài được kỹ hơn.
Có 1001 lý do để các nhân viên, kể cả sếp ngán nghe đến từ “họp”. Với nhiều cơ quan, công sở, siêng họp, họp đúng giờ trở thành một tiêu chí để đánh giá nhân viên.
Họp – Một phần tất yếu
Tuần này hiệu quả công việc thấp, họp. Nhiều nhân viên ăn quà trong giờ làm: họp. Cử người đi công tác: họp. Có hàng ngàn lí do để phải họp. Thời đại công sở, nhiều nhân viên cho biết: họp đã trở thành một phần tất yếu.
Một diễn đàn trên mạng đưa ra đề tài thảo luận với câu hỏi rất ngắn gọn: bạn có thích họp không? Nêu lý do? Câu hỏi bị xem là xưa rồi Diễm, thế nhưng vẫn thu hút đông đảo cư dân mạng tham gia ý kiến. Có ý kiến cho rằng họp là lúc bản thân phải giả vờ là người khiếm thính để không phải nghe những chỉ trích của sếp. Không phải nghe hàng loạt ca thán của trưởng phòng, không phải chứng kiến đồng nghiệp ganh tỵ đố kị nhau.
Một ý kiến vui nhưng được khá nhiều người đồng tình cho biết: muốn từ chối những cuộc nhậu nói dối bạn gái chỉ còn cách đưa ra lý do là: bận họp. Ý kiến này không thể nghi ngờ. Một vị trưởng phòng thú nhận: chính việc suốt ngày họp đã tốn rất nhiều thời gian của anh và không còn thì giờ để giải quyết núi công việc của mình. Sáng, họp với các bộ phận để triển khai dự án, trưa tiếp tục họp với các nhân viên anh phụ trách, chiều lại họp để báo cáo sếp. Thế nên mới có nhiều tình huống dở khóc, dở cười khi nhân viên nọ tham dự nửa buổi mới biết là nhầm họp vì trong cùng một buổi sáng chị phải chạy tham dự bốn cuộc họp ở bốn điểm khác nhau.
Người trong cuộc nói gì?
Đầu tuần phải họp giao ban toàn cơ quan, vốn không quen dậy sớm, Minh Tâm – phóng viên một cơ quan báo mạng phải nhờ tới ba người gọi điện báo thức. Thế nhưng, vì đến muộn năm phút, ngay lập tức Minh Tâm được lấy làm ví dụ điển hình cho cách làm việc thiếu khoa học, xem thường nội quy cơ quan. Tuy nhiên, anh cho biết: lần nào họp cũng là bài ca muôn thuở như nhắc nhở phóng viên không được hút thuốc trong phòng, phải mặc áo sơ mi tới cơ quan.. trong khi những điều đó đã in thành nội quy và dán đầy khắp các phòng ban.
Đem những điều này ra chia sẻ, nhiều ý kiến cũng cho biết, rất nhiều những sự kiện quan trọng diễn ra trong khoảng thời gian đó nhưng họ không thể đến được vì bận họp. Với nhiều cơ quan, nhân viên không dự họp đồng nghĩa với việc không có điểm thi đua và việc lương, thưởng cũng vì thế mà bị cắt giảm. Dĩ nhiên, không ai muốn quyền lợi của mình bị mất chỉ vì vắng mặt một cuộc họp. Trong khi đó, rất nhiều người thừa nhận rằng, họ đi họp chỉ để điểm danh chứ không hề tha thiết gì với sự việc nhàm chán vì lặp đi lặp lại này.
Thùy Như – nhân viên công ty về tuyển dụng ca thán, sếp của cô là người rất thích họp. Thế nhưng công ty lại không quy định họp vào ngày nào, giờ nào cụ thể. Bất cứ lúc nào, sếp cũng có thể triệu tập toàn bộ nhân viên để họp đôi khi chỉ để cảnh cáo nhân viên nọ không đeo bảng tên, nhân viên kia không báo cáo công việc đúng hẹn, tại sao đi làm muộn trong khi sếp thừa biết là buổi sáng đó trời mưa và kẹt xe rất lâu. Cô cho biết: nếu sếp cô chịu tâm lý một chút, những việc chỉ đáng nhắc nhở riêng tư và không đáng mang ra trong các cuộc họp thì nhân viên đó sẽ phục sếp và tiếp thu nhanh hơn rất nhiều.
Không thích họp, và mỗi lần đi họp là một cực hình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh những mâu thuẫn nơi công sở. Cấp dưới mâu thuẫn với cấp trên, nhiều mối quan hệ giữa các đồng nghiệp bị rạn nứt chỉ vì họp. Thuỳ Như cho biết: họp cũng là cơ hội thuận lợi nhất để nhân viên lấy lòng với cấp trên, vì vậy, nhiều trường hợp không ngần ngại đấu đá đồng nghiệp, thể hiện mình để ghi điểm với sếp. Đã có rất nhiều người dứt áo ra đi chỉ vì mâu thuẫn nảy sinh từ những cuộc họp. Chung quy lại, nhiều ý kiến đã quay sang đổ lỗi cho sếp, theo họ, chính sếp là nguyên nhân tạo ra những cuộc họp quá nhiều.
“Tôi cũng đâu có muốn họp” – Đó là chia sẻ rất chân thành của một trưởng phòng nhân sự. Anh cho biết: tuyển một người mới hay một người nghỉ việc cùng một loạt những vấn đề nảy sinh theo cũng là lý do phải họp. Họp để rút kinh nghiệm, để báo cáo với cấp trên, để nghe ý kiến của nhân viên để từ đó công việc tiến triển thuận lợi hơn. Thế nhưng, nhiều nhân viên không nghĩ rằng, trong mỗi cuộc họp, họ được quyền nêu ý kiến nhưng vì e dè hay lí do nào đó lại im lặng. Đã có nhiều trường hợp, cuộc họp đông người trở thành màn độc thoại của sếp.
Cũng trên diễn đàn thảo luận về họp, một luồng ý kiến cũng khá bức xúc với tình trạng: “hăng phát biểu” của một số nhân viên. Vũ Bảo – nhân viên kinh doanh bất động sản than thở: khi họp, tôi luôn nêu ý kiến của mình để xây dựng công việc tốt hơn nhưng nhiều đồng nghiệp tỏ ra khó chịu vì cho rằng tôi muốn lấy lòng sếp. Sau đó, họ luôn làm mặt lạnh với tôi.
Họp bao nhiêu là đủ?
Trước đây, mỗi lần tụ tập bạn bè là luôn có mặt Thùy Trang, giờ đây muốn hẹn cô đi chơi rất khó vì luôn nghe lý do phải họp. Đến nỗi bạn bè đã thay biệt hiệu để gọi cô chỉ vì liên quan đến họp. Ở nhiều công ty, đã áp dụng phương pháp để chính các nhân viên đưa ra ý kiến họp bao nhiêu là đủ. Chính họ là người quyết định thấy khi nào cần thiết thì họp. Đã có nhiều diễn đàn được mở ra với nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề những cuộc họp. Hầu hết ý kiến đều nhận định, không ai mặn mà gì với việc phải họp cùng vô số giấy tờ, báo cáo. Thế nhưng, nếu không có những lần họp thì tiến độ công việc rất dễ đi trật khuân mẫu. Một vị lãnh đạo thừa nhận: nếu không thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc thì chỉ sau một tuần, mọi trật tự công việc sẽ rối tung lên. Ông chia sẻ, với những nhân viên mới, rất cần những cuộc họp để rút kinh nghiệm và làm quen với công việc. Một cơ quan báo chí đã mạnh dạn bỏ cuộc họp giao ban vào mỗi sáng vốn đã có tiền lệ từ mấy chục năm mà chỉ giữ lại một buổi họp vào cuối tuần. Các phóng viên của báo này thay vì phải tất tả chạy đến cơ quan vào mỗi sáng sớm sẽ có thời gian để săn tin, bài được kỹ hơn.
Họp bao nhiêu cho đủ? Điều đó tuỳ thuộc vào tính chất công việc và điều kiện của mỗi cơ quan, công sở. Đã có nhiều công ty áp dụng hình thức để nhân viên tự báo cáo kết quả công việc và phương hướng triển khai sắp tới. Lãnh đạo chỉ là người kiểm tra và đánh giá. Điều đó nâng cao tính trách nhiệm của nhân viên, và cũng tránh tình trạng đối phó, thụ động trong mỗi lần họp. thời kỳ kinh tế biến động, rất nhiều cơ quan, công ty đã tiến hành “chiến dịch” tiết kiệm trong đó có nội dung cắt giảm bớt những cuộc họp. Vì theo họ, chi phí trong những lần tổ chức như thế không phải là nhỏ.
Leave a Reply