Ngẫm về văn hóa nghỉ việc trong doanh nghiệp
Thế nhưng, cái lúc Nam định ra đi thì công ty lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn do nhiều dự án đột ngột bị phía khách hàng hủy bỏ. Cái sự ra đi của Nam thành ra vô cùng
Không còn hứng thú với công việc hiện tại, mong muốn được tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, Hoài đã quyết định sẽ tìm cho mình một hướng đi mới nhưng cô lúng túng không biết phải nói chuyện thế nào với sếp, với anh chị em đồng nghiệp bởi xét về mặt tình cảm, từ hồi mới vào cô đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Khi còn là cô sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học còn chưa biết sẽ xin việc như thế nào ở thủ đô, Hoài may mắn được một chị vốn là người quen giới thiệu vào công ty này. Là công ty vừa được thành lập nên số lượng nhân viên chỉ khoảng hai chục, lại toàn người trẻ tuổi, một số cũng chỉ mới tốt nghiệp như Hoài, số khác đi làm thì cũng chỉ có khoảng 2, 3 năm kinh nghiệm. Sếp lại là người cực kỳ dễ tính, vui vẻ và chu đáo với nhân viên. Ngay từ những ngày đầu, Hoài đã cảm thấy rất thoải mái khi được làm việc ở đây, được các anh chị và sếp tận tình giúp đỡ nên cô học hỏi được nhiều thứ về nghiệp vụ cũng như kỹ năng sống, làm việc trong môi trường công sở. Qua ba năm gắn bó với công ty, Hoài đã trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều, tình cảm với đồng nghiệp, với lãnh đạo cũng ngày càng bền chặt hơn. Cô thực sự coi mọi người như anh em trong nhà và không dám tưởng tượng một ngày mình sẽ phải rời xa nơi này.
Nhưng Hoài còn trẻ và tuổi trẻ thì có nhiều hoài bão lớn hơn. Thời gian gần đây những hoài bão từ thời còn là sinh viên trỗi dậy và thôi thúc Hoài tìm đến những cơ hội mới. Có năng lực, kinh nghiệm, không khó khăn gì Hoài có được lời mời từ những công ty lớn với nhiều hứa hẹn về lương bổng và những khoản đãi ngộ mà chắc chắn một công ty nhỏ như nơi Hoài đang làm khó có thể đáp ứng được. Hoài biết đã đến lúc mình phải ra đi, nhưng cô sợ rằng anh em đồng nghiệp và sếp nghĩ cô hám danh lợi mà quên đi những gì họ đã cho Hoài, quên đi cái công họ dạy dỗ Hoài để cô có được ngày hôm nay. Ra đi thì không dám mà ở lại thì cảm thấy chán nản với công việc, Hoài lúng túng không biết phải lựa chọn con đường nào.
Thế nhưng, ước mơ được tiếp cận, học hỏi thêm nhiều cái mới mẻ khiến Hoài quyết định phải ra đi. Cô viết một bức thư xin nghỉ việc, đó là cách để cô chứng tỏ sự tôn trọng của mình với ban lãnh đạo công ty và thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp của một nhân viên. Trong thư, Hoài trình bày những kinh nghiệm, những điều tốt đẹp mà cô có được trong thời gian làm việc cho công ty, cô đã trưởng thành hơn trong công việc như thế nào và những người đã giúp đỡ cô. Hoài cũng không quên nhắc lại những sự kiện và việc làm để lại ấn tượng trong cô. Cuối thư, Hoài bày tỏ mong ước công ty sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai. Hoài nêu rõ ý muốn của mình là chỉ nghỉ khi công ty tìm được người thay thế, cô còn đề nghị với sếp cho phép mình tiếp tục giúp đỡ họ cho đến khi tìm được người vào vị trí của cô. Cách ứng xử khi nghỉ việc của Hoài được lãnh đạo đánh giá cao. Mọi người để cô ra đi, tìm đến cơ hội mới nhẹ nhàng và luôn chào đón cô như một người em, người chị mỗi khi cô đến thăm lại công ty.
Cũng khá giống với trường hợp của Hoài nhưng Nam, một chuyên viên phần mềm máy tính lại rơi vào thời điểm khác và chính cái thời điểm này đã khiến anh phải khó xử khi nghỉ việc. Gắn bó với công ty đã được 5 năm, Nam – trong mắt lãnh đạo – luôn luôn là một nhân viên có năng lực, mẫn cán và hết lòng vì công việc. Sếp anh từng không ngần ngại tuyên bố có được anh là ước mơ của những ông sếp biết nhìn ra người tài. Thời gian gần đây, Nam cảm thấy mình cần thay đổi không khí làm việc và đến những môi trường chuyên nghiệp hơn. Anh đã có ý đầu quân cho một công ty nước ngoài mới mở chi nhánh tại Việt Nam.
Thế nhưng, cái lúc Nam định ra đi thì công ty lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn do nhiều dự án đột ngột bị phía khách hàng hủy bỏ. Cái sự ra đi của Nam thành ra vô cùng khó khăn vì trong thâm tâm anh không muốn sếp và mọi người nghĩ anh đề cao vấn đề lợi ích của bản thân lên trên hết. Suy nghĩ mãi, Nam vẫn quyết định viết đơn xin nghỉ việc nhưng thay vì ra đi không ngoảnh lại, Nam vẫn dành thời gian, thậm chí là làm việc cả đêm để giúp sếp cũ hoàn thành những công việc mà anh vốn vẫn phải chịu trách nhiệm trước đây.
Có hàng nghìn lẻ một lý do cho sự ra đi của bạn, đó là việc không hài lòng với mức lương ở công ty, không thỏa mãn vị trí đang có, không chịu đựng nổi sức ép của công việc, không hòa nhập được với đồng nghiệp, thậm chí bất hòa với họ… Cuộc sống ngày càng mở ra nhiều cơ hội, cơ hội cho những người có năng lực lại đang được tính theo cấp số nhân. Nên từ bỏ công ty cũ đến công ty mới để có điều kiện phát huy khả năng làm việc cũng như khả năng kiếm tiền là việc hợp lý. Nhưng hãy thể hiện mình là một nhân viên khi thôi việc mà vẫn để hình ảnh của mình đẹp trong mắt sếp như khi mình đang còn làm việc hiệu quả, hoặc chí ít sếp không thể nói được lời nào, dù trong lòng có cay cú. Bạn nên nghỉ việc trong tư thế của người đàng hoàng, để khẳng định mình là người chuyên nghiệp, có văn hóa và biết cư xử. Điều đó, trước tiên vì lợi ích của chính mình. Vì không ai không muốn giữ lại mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp và biết đâu trong tương lai lại có ngày bạn trở về lại chính công ty cũ của mình.
Leave a Reply